Hầu hết các nguồn nước thiên nhiên đều có mùi và vị, nhất là mùi. Theo nguồn gốc phát sinh, mùi được chia làm 2 loại: mùi tự nhiên và mùi nhân tạo.
Mùi tự nhiên chủ yếu là do hoạt động sinh sống và phát triển của các vi sinh vật và rong tảo có trong nước.
Mùi nhận tạo chủ yếu do ảnh hưởng của nước thải công nghiệp gây ra.
Ngoài mùi, nước thiên nhiên có thể có nhiều vị khác nhau như: mặn, đắng, chua cay… Theo tiêu chuẩn nước ăn uống sinh hoạt, nước không được có mùi, vị. Vì vậy cần tiến hành khử mùi, vị.
Các giải pháp
Các giải pháp xử lý tổng quát
Thông thường, các quá trình xử lý nước đã khử được hết mùi và vị có trong nước. Chỉ khi nào các biện pháp xử lý trên không đáp ứng được yêu cầu cần khử mùi, vị thì mới dụng các biện pháp khử mùi, vị độc lập
Sau đây là một số biện pháp khử mùi, vị thường dùng:
1. Khử mùi bằng làm thoáng
Dựa trên nguyên tắc: các công trình làm thoáng có thể làm bay hơi các loại khí gây mùi cho nước và đồng thời oxi hóa các chất có nguồn gốc hữu cơ và vô cơ gây mùi.
Các công trình làm thoáng khử mùi cũng tương tự như các công trình làm thoáng để khử sắt như: dàn mưa, phun mưa, bể làm thoáng cưỡng bức…
2. Khử mùi bằng các chất oxi hóa mạnh
Các chất oxi hóa mạnh để khử mùi có thể là: clo và các hợp chất của clo, ozone, permanganat Kali…
Dùng Clo và ozone để khử mùi, vị gây nên bởi các vi sinh có nguồn gốc động, thực vật là biện pháp tương đối thông dụng. Đa số các trường hợp đều dùng clo để khử mùi, vị trong nước. Tuy nhiên còn một số trường hợp, dùng clo không có hiệu quả, cần phải thay thế bằng ozone.
Ngoài ra có thể dùng kali permanganat KMnO4 để khử mùi mới xuất hiện trong quá trình clo hóa nước.
3. Khử mùi bằng phương pháp dùng than hoạt tính
Than hoạt tính có khả năng hấp thụ rất cao đối với các chất gây mùi. Dựa vào khả năng này, người ta khử mùi của nước bằng cách lọc nước qua than hoạt tính. Các loại than hoạt tính thường dùng là: than Anthracite, than cốc, than bạch dương hay than bùn dạng bột để cho vào nước.
Than hoạt tính dùng trong các bể lọc khử mùi có kích thước d = 1 – 3 mm, chiều dày lớp than L= 1.5 – 4 m. Tốc độ lọc có thể đạt 50m/h
Các bể lọc than hoạt tính thường bố trí sau bể lọc trong và khử trùng.
Để phục hồi khả năng hấp thụ của than hoạt tính dùng dung dịch kiềm nóng.